Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO (PHẦN I)

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO (PHẦN I)


Tôi sẽ chỉ trình bày với ngôn ngữ và khía cạnh chung nhất, và đơn giản, dễ hiểu nhất, đời thường nhất tại xã – tại nông thôn, nhằm mục đích để bà con nông dân có thể hiểu được. Vì vậy cho nên, có những vấn đề không thể được coi là “hiển nhiên đúng”. Nhưng vì mục đích dễ hiểu và đời thường, tôi xin phép được đề cập không đầy đủ, và xác đúng, toàn diện như tổng thể các quy định của pháp luật và thuật ngữ pháp lý về vấn đề này!


KHIẾU NẠI


1. Chúng ta được quyền khiếu nại khi nào:


Khi có đủ các điều kiện sau đây (Căn cứ vào Luật khiếu nại, tố cáo 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005):


+ Có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó lá trái pháp luật;


+ Xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.


Vậy, chỉ những chủ thể nào mà có quyền và lợi ích hợp pháp (chú ý đó phải là lợi ích hợp pháp) bị xâm phạm trực tiếp từ quyết định hành chính, hành vi hành chính mới có quyền khiếu nại. Những chủ thể - cá nhân hay tổ chức, pháp nhân – mà không bị xâm phạm – ảnh hưởng tiêu cực – xấu, thiệt hại – về quyền hay lợi ích hợp pháp một cách trực tiếp thì không được quyền khiếu nại.


Ví dụ: UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông A; mà diện tích đất trong Sổ đỏ không đúng với thực tế, “lấn” sang đất nhà ông B. Ông C là bạn thân chí cốt của ông B, thấy bất bình, dù ông B không nói gì; ông C đã “tự” đâm đơn khiếu nại về quyết định giao đất đó. Trường hợp này là không đúng – không được. Lúc này, chỉ có ông B – người bị thiệt hại – mới có quyền khiếu nại.


Chú ý: người khiếu nại – người có quyền khiếu nại – không phải bao giờ cũng là người đi thực hiện việc khiếu nại, ký tên trong đơn khiếu nại. Và người thực hiện việc khiếu nại, ký tên trong đơn khiếu nại không phải lúc nào cũng là người khiếu nại.


Vì vậy cho nên, người khiếu nại và người thực hiện khiếu nại có thể khác nhau.


Người ký tên trong đơn khiếu nại cũng sẽ khác nhau tùy theo từng trường hợp nhất định. Những ví dụ và các trường hợp sau sẽ làm rõ vấn đề này:


+ Nếu người khiếu nại trong trường hợp là: người chưa đủ 18 tuổi, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác và không thể làm chủ hành vi của mình - thì có thể thông qua người đại diện theo pháp luật (thông thường và dễ hiểu là: cha, mẹ, vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột của người khiếu nại – tất nhiên những người này phải đủ năng lực hành vi – tức là đủ 18 tuổi trở lên và không mắc bệnh tâm thần) thực hiện việc khiếu nại.


Ví dụ: Nhà nước có chính sách hổ trợ hàng tháng là 80 ngàn đồng cho những người bị mắc bệnh tâm thần, không có khả năng lao động. Chị A bị mắc bệnh tâm thần, nhưng UBND xã lại “bỏ sót” không cấp tiền cho chị A. Lúc này, chị A là người có quyền khiếu nại. Nhưng chị A bị mắc bệnh tâm thần và không có chồng, cha mẹ đã chết. Ông B là anh ruột của chị A. Lúc này, ông B làm đơn khiếu nại – là đúng pháp luật.


Trong trường hợp trên: chị A là người khiếu nại chứ không phải ông B; người thực hiện việc khiếu nại là ông B. Và trong trường hợp trên, người ký tên trong đơn khiếu nại là ông B.


Nếu rơi vào trường hợp tương tự, thì trong đơn phải ghi rõ họ, tên, số chứng minh nhân dân của cả người khiếu nại và người thực hiện việc khiếu nại. Tức là phải ghi:


“- Người khiếu nại: TRẦN THỊ A, sinh ngày:…, thường trú…., cứ trú….; chứng minh nhân dân số:... .


- Người thực hiện việc khiếu nại: TRẦN VĂN B, sinh ngày… , thường trú…, cư trú…; chứng minh nhân dân số…., là em ruột của chị TRẦN THỊ A”.


+ Trong trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác để khiếu nại.


Trong trường hợp này phải có giấy ủy quyền khiếu nại. Và trong đơn cũng phải ghi rõ: người khiếu nại; và người được ủy quyền khiếu nại. Trong một số trường hợp nhất định, người được ủy quyền khiếu nại là chủ thể ký vào đơn khiếu nại.


Lưu ý: cần phân biệt rõ giữa hai khái niệm: “người thực hiện quyền khiếu nại” – tức là chủ thể có quyền khiếu nại – người khiếu nại; với: “người thực hiện khiếu nại” – là người hành động trực tiếp làm các thủ tục khiếu nại.


2. Khiếu nại cái gì?


Liên quan trực tiếp nhất đến bà con: Khiếu nại là khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực hiện điều hành – quản lý hành chính nhà nước.


Nói một cách dân dã và dễ hiểu – dù nó “sai”: là tất cả các văn bản, các hành vi thuộc nhiệm vụ công – công quyền, thi hành nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ công quyền, với tư cách công quyền.


Bà con cứ hiểu đơn giản như vậy. Còn mọi văn bản, hành vi không mang tư cách công quyền, thì thuộc lĩnh vực dân sự hay lĩnh vực khác – không phải là đối tượng của khiếu nại.


+ Vậy nên, khiếu nại là khiếu nại quyết định, hành vi, chứ không khiếu nại “con người”; khiếu nại đến “chức danh” chứ không “khiếu nại” đến con người.


Ví dụ: Công chức Tư pháp, Hộ tịch của xã không khai sinh cho con bạn; dù bạn có đủ điều kiện, giấy tờ, sự kiện. Bạn khiếu nại việc này là khiếu nại “hành vi hành chính” của Công chức Tư Pháp, Hộ tịch và gửi khiếu nại đến Chủ tịch UBND.


Hôm sau, cũng chính Công chức Tư pháp, Hộ tịch này ra chợ và mua “quỵt” của bạn món hàng là 500 ngàn đồng để làm giỗ cho bố anh ta. Thì đây là hành vi không mang tính “công quyền”, không với tư cách công quyền. Nên bạn nếu có yêu cầu, làm đơn để “đòi nợ”, thì bạn phải ghi tên ông công chức này, với tư cách một công dân bình thường. Nó không phải là “khiếu nại”.


+ Có thể liệt kê một số quyết định hành chính thường gặp mà bà con có thể khiếu nại như sau: quyết định giao đất, quyết định cấp hay không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế.


+ Có thể khái quát hành vi hành chính thường gặp mà bà con có thể khiếu nại như sau: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về các quyền và nghĩa vụ của bà con khi bà con yêu cầu thực hiện dù có đủ điều kiện, như: không làm giấy khai sinh, khai tử; không thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể; không thực hiện các chính sách trợ cấp, hỗ trợ theo đúng các quy định của pháp luật; không giải quyết các đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất….


3. Ai có thẩm quyền nhận đơn và giải quyết khiếu nại?


Nói cho đúng ngôn ngữ pháp lý và quy định pháp luật thì rất khó hiểu.


Vậy nên, bà con chỉ cần nhớ là:


+ Thứ nhất: đối với những vấn đề gì bà con thấy liên quan trực tiếp đến UBND xã, thì cứ gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND xã.


+ Thứ hai: nếu bà con không biết về thẩm quyền giải quyết, chẳng biết gửi đơn khiếu nại cho ai, ở đâu, thì bà con cứ đến thẳng Mặt trận Tổ quốc. Tại đây, bà con cứ trình bày vấn đề của mình, cán bộ, công chức Mặt trận sẽ hướng dẫn bà con cách viết đơn cho đúng pháp luật, rõ ràng, hợp lý. Rồi họ sẽ trực tiếp gửi đơn giúp bà con; họ còn giám sát, đôn đốc và đề nghị chủ thể có thẩm quyền phải báo cáo việc giải quyết khiếu nại cho bà con để họ biết nữa.


Vậy nên, bà con cần phải nhớ một điều thế này: Cứ có vấn đề gì bức xúc về chính quyền, bà con cứ đến thẳng Mặt trận Tổ quốc mà trình bày.


4. Được quyền khiếu nại khi nào?


Bà con cần nhớ đơn giản và thực hiện như thế này:


+ Quyết định hành chính đó có và đã đưa đến cho người dân rồi bà con mới khiếu nại; (đừng nghe tin đồn).


+ Phải thực tế có hành vi hành chính thực hiện rồi bà con mới được quyền khiếu nại;


+ Bà con phải nhanh chóng thực hiện việc khiếu nại càng sớm càng tốt; thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày – tức là bà con chỉ cần nhớ - bà con phải khiếu nại trước 90 kể từ ngày quyết định hành chính đó đến tay người dân và bà con biết về thực tế có hành vi hành chính. Nếu hết thời gian này, về mặt nguyên tắc, bà con sẽ mất quyền khiếu nại.


Vì vậy cho nên, khi bà con biết đã có quyết định hay hành vi thì phải thực hiện khiếu nại ngay, càng sớm càng tốt; đừng nấn ná để chậm trễ.





5. Để đơn được thụ lý, thì phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 5 của Thông tư Số 04/2010/TT-TTCP. Bà con cần nhớ:


- Đơn có chữ viết là tiếng Việt và được người khiếu nại, người tố cáo, người phản ánh, kiến nghị ký tên trực tiếp;


- Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại. Đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo. Đơn phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người phản ánh, kiến nghị; nội dung phản ánh, kiến nghị.


- Đơn chưa được cơ quan tiếp nhận đơn xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đã được xử lý theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại, người tố cáo người phản ánh, kiến nghị cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới.


6. Các thời hạn trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu:


+ Bà con nên nhớ dù bà con gửi đơn đúng địa điểm hay không đúng địa điểm, đơn đúng hay không đúng, thì thời gian chờ đợi tối đa của bà con là bà con cứ ước chừng 15 – 20 ngày (theo pháp luật quy định thì là 10 ngày kể từ ngày họ nhận được đơn và thuộc thẩm quyền giải quyết). Trong thời gian này, nếu họ không có thông báo về việc đã nhận và sẽ xem xét giải quyết hay đơn của bà con gửi không đúng hay sai và lý do; thì bà con cứ lên trực tiếp nơi đã gửi đơn để hỏi cho rõ.


+ Thời hạn tối đa để giải quyết đơn khiếu nại lần đầu của bà con là 30 ngày (hoặc 45 ngày; hoặc 60 ngày) kể từ ngày thụ lý. Nhưng bà con cứ hết 30 sau ngày họ thông báo thụ lý cho bà con mà thấy vẫn không giải quyết thí cứ lên hỏi cho chắc ăn.


7. Các thời hạn trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai:


+ Bà con cứ thấy ước chừng khoảng hết 45 ngày mà không thấy có “rục rịch” hoặc có quyết định giải quyết mà bà con không hài lòng thì lập tức làm đơn khiếu nại lần hai (hoặc đâm đơn khởi kiện ra tòa)


+ Bà con phải thực hiện việc khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện ngay trong vòng 30 ngày kể từ khi bà con chờ hết 30 ngày hoặc 45 ngày cho khiếu nại lần đầu. Nói chung là: ngay khi không được giải quyết hoặc giải quyết mà bà con thấy không hài lòng thì đâm đơn khiếu nại hoặc khởi kiện lần hai ngay. Không được chần chừ, để lâu.


+ Thời hạn thông báo có thụ lý hay không thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai: thì bà con chỉ cần nhớ là sau khoảng 10 – 11 ngày sau ngày bà con gửi đơn đúng địa điểm. Nếu quá mà không thấy “rục rịch” thì phải đến mà hỏi cho rõ.


+ Còn về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai bà con chỉ cần nhớ là tối đa không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý. Hết thời gian này, hoặc tốt nhất là gần hết, bà con cứ lên hỏi cho chắc. Nếu họ thờ ơ thì bà con về làm đơn để khởi kiện ra Tòa (phải trong vòng 30 ngày sau).


Vậy, để đơn được thụ lý và giải quyết dù lần đầu hay lần hai, nói chung lại, bà con chỉ cần nhớ những điều sau đây:


+ Muốn cho chắc ăn, bà con cứ đến Mặt trận Tổ quốc để trình bày, bà con sẽ được hướng dẫn cụ thể;


+ Phải ghi rõ họ, tên, CMND, thường trú và những nội dung nhất định phải có như trong phần 5. Nhất định là không được làm đơn “nặc danh”;


+ Mỗi người viết một đơn, không được làm “đơn tập thể”;


+ Khiếu nại càng nhanh càng tốt – bà con nên nhớ 2 con số: tối đa là 90 ngày; tối đa là 30 ngày;


+ Không nên khiếu nại “vượt cấp” – cứ đến Mặt trận, sẽ được hướng dẫn cụ thể - bà con cứ đến trình bày tại UBND xã trước đã. Cứ chờ cho hết 30 hay 45 ngày cho lần đầu mà thấy không giải quyết hoặc đã giải quyết mà bà con không hài lòng thì hãy khiếu nại lần hai hay khởi kiện.


+ Nếu không đến Mặt trận, bà con nên tìm những người am hiểu kiến thức pháp luật và có uy tín để họ tư vấn và hướng dẫn viết đơn cho đúng; hành động cho đúng.


+ Nếu bà con thấy “nóng ruột”, thì cứ đến Mặt trận hay những người hiểu biết để họ tư vấn. Và thỉnh thoảng bà con cũng nên ghé đến UBND hoặc nơi gửi đơn để “nhắc cho họ nhớ” dù họ có “nói những lời khó nghe” và tốn công cũng “kệ.
HỐ KHÔ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét